"Tự học là bản chất của mọi sự học"
Ngọc Bi
Xuất thân từ dân học toán, làm quản lý, tự học vẽ, trở thành họa sĩ và cây bút nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp. Ông có lời nhắn gửi gì cho thế hệ trẻ về sự “tự học” thành tài này?
Ăm ắp kiến thức phong phú nhưng khiêm tốn, cầu thị và khát khao về sự học, sự đọc luôn ngập tràn là những đặc điểm dễ nhận thấy ở con người họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật danh tiếng Nguyễn Quân.
Dưới đây là bài phỏng vấn ông Nguyễn Quân về vấn đề nghiên cứu, sáng tác và phê bình nghệ thuật do tác giả Ngọc Bi thực hiện:
Dưới đây là bài phỏng vấn ông Nguyễn Quân về vấn đề nghiên cứu, sáng tác và phê bình nghệ thuật do tác giả Ngọc Bi thực hiện:
Nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân (Ảnh Internet)
Tôi học vẽ trước học toán, không làm toán ngày nào, làm quản lý có “1 nhiệm kỳ”. Chủ yếu chỉ biết vẽ, viết và dạy học. Tự học là bản chất của mọi sự học, sáng tác hay nghiên cứu. Mỹ thuật phải có chút tay nghề kỹ thuật và tạo hình phải nắm vững, có rất nhiều sách vở và vật liệu để tự học. Không phải là nghiệp dư hay dân gian. Anh phải tự học tất cả (nếu không nói là nhiều hơn) những gì là hàn lâm phải học ở trường. Rất nhiều các danh họa thế giới và Việt Nam tự học hoặc học dở dang rồi bỏ trường… ra tự học. Cánh cửa nghệ thuật rộng mở, chân trời bao la. Nhưng “học thành tài” (dù ở trường hay tự học) không phải là quy luật, không phải là mục đích của nghệ thuật. Tự tin, thành thật với mình trong sáng tạo… rồi xem trời có bảo mình thành tài không đã là may mắn của một đời nghệ sĩ.
Một Nguyễn Quân họa sĩ với một Nguyễn Quân nghiên cứu - phê bình có gì khác nhau? Hai vị trí, hai công việc này có tác động tương hỗ tới nhau ra sao khi ông làm nghề?
Phan Cẩm Thượng và Nora Taylor đều đã viết rằng trong tôi có hai người khác nhau, đôi khi cãi nhau. Tôi cũng thấy mình “viết một đằng, vẽ một nẻo”, sáng tác và nghiên cứu là hai hình thái ý thức (về mình và về thế giới) khác nhau, hai cách khác nhau để nội quán và ngoại quán. Nhiều người cho rằng khi sáng tác cái hiểu, biết làm hại cái cảm xúc. Nhiều người lại cho rằng không có triết lý, tri thức không thể có tác phẩm sâu sắc. Nhiều đồng nghiệp thấy tranh tôi đẹp hay không đẹp vì cả hai lý do: vì tình cảm quá mà thiếu ý tưởng hoặc vì lý sự quá hóa rườm rà.
Là cha đẻ nhiều cuốn sách nghiên cứu và phê bình mỹ thuật rất sâu sắc, được đánh giá cao (Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, Mỹ thuật của người Việt, Mỹ thuật ở Làng, Tiếng nói của hình và sắc, Ghi chú về nghệ thuật, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20…), nhưng ông từng nhận định nghề nghiên cứu - phê bình rất vất vả và bạc bẽo. Tại sao ông vẫn tiếp tục chấp nhận sự bạc bẽo đó?
Trong tiếng Đức chữ nghề nghiệp - Beruf - cũng có nghĩa là thiên chức, được Chúa chọn, trời bảo làm nghề ấy, việc ấy. Làm tốt cái nghề - sứ mạng của mình là danh dự, đạo đức của người hành nghề. Khi đó nghề mình chọn - hay trời bảo cũng là niềm vui hạnh phúc, bất chấp vất vả, bạc bẽo…
Xin chia sẻ về tác phẩm phê bình mà ông đang viết.
Hiện tôi đang viết một vài bài tiểu luận về bản chất và phương pháp của “nghề” nghiên cứu - phê bình nghệ thuật. Sau nghiên cứu - phê bình văn học thì nghiên cứu - phê bình mỹ thuật ở Việt Nam đã có đội ngũ và lịch sử của chính nó. Đã đến giai đoạn cần nâng cấp về chất để đáp ứng nhu cầu về giáo dục nghệ thuật trong một xã hội hiện đại, văn minh.
Theo ông, để giữ được cây bút phê bình trong sáng, công tâm, người phê bình mỹ thuật cần có những yếu tố gì?
Thực ra nghiên cứu - phê bình không phải quan tòa. Nếu anh còn phụ thuộc hệ tư tưởng, tôn giáo, hệ hành chính, hệ tài chính… thì tất nhiên không “trong sáng, công tâm” được. Hơn nữa bất tài mà lại được bổ vào các chức vụ các hội đồng… để phán xét, trao giải thì tất là “tham nhũng trí tuệ”. Có tài và độc lập không phụ thuộc các thứ đó thì sẽ được nghệ sĩ, công chúng, xã hội tin cậy, mới có ích cho phát triển văn hóa.
Xin ông cho vài lời khuyên đối với thế hệ trẻ theo nghề nghiên cứu - phê bình?
Nếu tôi là thế hệ thứ hai thì nay ta đã có thế hệ thứ 3, thứ 4 làm nghiên cứu - phê bình rồi. Họ làm việc ở nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, truyền thông, tổ chức hoạt động nghệ thuật… Khó cho họ là nghiên cứu thì không có kinh phí, không có điều kiện du học sau đại học. Truyền thông văn hóa mới chỉ yêu cầu họ ở mức làm MC giới thiệu cổ động cho nghệ sĩ, sự kiện… khó hành nghề thật sự. Tôi đã kiến nghị từ 30 năm nay về ngành nghề - môn học giáo dục nghệ thuật, thay cho môn vẽ dạy kỹ năng hiện nay. Đội ngũ các nhà giáo dục nghệ thuật và môn này sẽ nâng tầm nghệ thuật của toàn xã hội và là nền rộng, chắc cho nghiên cứu - phê bình chuyên sâu. Cá nhân tôi biết khoảng 15-20 nhà nghiên cứu - phê bình trẻ có tài, tiềm năng… Còn nhà nghiên cứu - phê bình xuất chúng luôn hiếm hơn nghệ sĩ xuất chúng nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét