27-08-2012
Cái đẹp có tiêu chuẩn không?
Trịnh Cung
Cuộc đối thoại giữa hoạ sĩ Lê Thiết Cương và hoạ sĩ Lê Quảng Hà, ai đúng ai sai, chúng ta không khó để nhận ra. Tuy nhiên, sự việc cụ thể này xảy ra quả tình là một minh hoạ cho cái thực trạng thiếu thốn kiến thức và yếu kém về lý thuyết mỹ thuật của không ít người trong giới hoạ sĩ Việt Nam, mà hệ quả là sự mất căn bản trong việc thẩm định giá trị tác phẩm.
Để đóng góp vào cuộc đối thoại thú vị này, tác giả xin lạm bàn quanh vấn đề “Cái đẹp có tiêu chuẩn không?”
Câu chuyện thứ nhất
Trong một buổi chiều ngồi ở càfê vỉa hè Highlands trên đường Đồng Khởi cùng với vài anh bạn, thấy một “chân dài” thanh mảnh trong một bộ áo váy ôm sát người hở nửa phần lưng rất bắt mắt kiêu kỳ lướt ngang qua, tôi buột miệng thốt lên: “Wow! Đẹp quá!”
“Ối giời ơi! Khẳng khiu như một cái que biết đi thế mà cậu cho là đẹp ấy à?” Anh bạn tôi, một nhà văn, giãy nảy.
Câu chuyện thứ hai
Trong một cuộc triển lãm tranh quốc tế tại một thành phố nọ, các tác phẩm được giải cao nhất đều là những tranh vẽ theo lối trừu tượng, nhiều người đi xem triển lãm đã tỏ ra bất bình với kết quả ấy, họ chỉ vào vài tác phẩm vẽ theo lối tả thực và cự nự: “Vẽ giống y như thật thế này mà sao không được trao huy chương vàng thế? Thật là bất công!”
Câu chuyện thứ ba
Trong một cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình gần đây, trước đêm chung kết, tôi nhận được một cuộc gọi của anh bạn Việt kiều: “Cậu chơi thân với TL, LA, hay NN,... nói hộ tôi, xếp cho Th vào giải chính, càng cao càng hay, tôi hứa lo đủ. Tôi gọi hoài mà LA không bắt máy...”. Và anh bạn say sưa “bài ca ngợi” bất tận về cô Th tuyệt vời và đầy triển vọng nào đó — một người sinh ra chỉ để làm ca sĩ chứ không thể là cái gì khác. Tôi vội mở tv để xem thực hư thế nào thì thấy cô Th mà anh bạn nói đến quả là một mỹ nhân rất bốc lửa, nhưng giọng hát thì... chỉ đáng làm ca sĩ karaoke mà thôi.
Ba câu chuyện trên có thể đã nói lên sự phức tạp của vấn đề thẩm mỹ trong sinh hoạt văn nghệ và trong đời sống hằng ngày. Thế nào thì được gọi là một cô gái đẹp, một tác phẩm mỹ thuật có giá trị, hay một giọng hát sáng giá? Lẽ dĩ nhiên đây là một công việc khó khăn và không phải ai cũng có khả năng đưa ra sự chọn lựa xác đáng, thường người ta phải dựa vào kết quả bình chọn của một tập thể những nhà chuyên môn có nhiều kiến thức về nghệ thuật được uỷ nhiệm làm giám khảo.
Tuy thế, không phải tất cả các kết quả ấy đều được dư luận đồng tình. Ở đây chúng ta không bàn đến những kết quả bất thường vì những lý do tiêu cực mang tính mua chuộc hoặc thương mại. Trình độ kiến thức và thị hiếu không cùng một đẳng cấp thường là nguyên nhân chính của những kết quả không thuyết phục. Và để biện minh cho những bất đồng này, nhiều người thường đem thành ngữ “chín người mười ý” ra để khoả lấp cho xong chuyện.
Thực ra, cái đẹp có những tiêu chuẩn riêng cho từng sự vật và sự việc, và nó thay đổi theo sự phát triển của từng thời kỳ văn hoá và văn minh của loài người. Từng thời kỳ một có thể kéo dài qua nhiều thế kỷ hoặc chỉ từng thế kỷ, các khái niệm về cái đẹp nối tiếp nhau thay đổi bởi sự đòi hỏi của cuộc sống con người, mặc dù không thiếu những tranh cãi thường xuyên và liên tục về những tiêu chuẩn của cái đẹp. Các triết gia từ Socrates xa xưa cho đến Hegel đã nối tiếp nhau đi tìm một định nghĩa thống nhất cho cái đẹp phi vật chất (la beauté immatérielle) và coi việc nghiên cứu cái đẹp là một khát vọng vĩnh cửu. Và mỹ học đã trở thành một chuỗi hạt ngọc về tư tưởng quanh cái đẹp không ngừng được bổ sung và tiếp tục suy nghiệm theo mỗi bước đi của thời đại. Cái đẹp ở trong vô số dạng thức khác nhau như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, thời trang, thân xác, ngoại cảnh, nội thất; và bao trùm lên hết thảy là vẻ đẹp phi vật chất, như Socrates đã nói: “Nhìn là giác quan tinh vi nhất của cơ thể, đồng thời cái đẹp cũng đã nhận từ sự phân chia của tạo hóa cái phần đáng yêu nhất.”
Tựu trung, nói theo cách đơn giản hơn, để cảm nhận được cái đẹp, chúng ta phải nhờ vào hai điều kiện: 1. cảm tính; 2. kiến thức. Những người không có điều kiện học đầy đủ thường chọn lựa vẻ đẹp theo bản năng, cảm tính của mình. Nhưng sự cảm thụ cái đẹp trong các công trình nghệ thuật lại không thể dễ dàng với tầng lớp công chúng bình dân vì họ ít được tiếp cận và thiếu cập nhật với các thông tin về những trào lưu sáng tạo mới xuất hiện. Ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ chúng ta cũng không có nhiều người thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật mới và các thông tin về hoạt động sáng tạo mỹ thuật của các cộng đồng khác trên thế giới, nên tình trạng dễ bị tụt hậu và bảo thủ là điều không tránh khỏi.
Mỗi thời đại, riêng đối với mỹ thuật, các tiêu chuẩn của cái đẹp trước hết được định ra bởi những nhà sáng tạo. Các hoạ sĩ cổ điển thời tiền phục hưng cho đến các hoạ sĩ thời tân cổ điển kéo dài từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 đã thiết lập và giữ vững các tiêu chuẩn của cái đẹp dựa vào sự cân đối, hài hoà, nhịp nhàng và chặt chẽ về bố cục, màu sắc, đường nét, ánh sáng bằng một bút pháp tinh tế và nắn nót. Đầu thế kỷ 20, các nhà tiền phong thời hiện đại đã phủ lên những tiêu chuẩn ấy một tấm vải liệm bằng những khái niệm hoàn toàn mới về cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật. Những sự phá vỡ phép cân đối, luật viễn cận, không gian hai chiều và tình hoà hợp của màu, khởi từ trường phái Ấn tượng đến Trừu tượng đã làm thay đổi lớn lao các tiêu chuẩn của cái đẹp trong tác phẩm mỹ thuật.
Một ví dụ rất cụ thể cho sự thay đổi mau chóng quan niệm về cái đẹp hình tượng con người: chỉ trong không hơn ba thập niên đầu của thế kỷ 20, từ mẫu mực vẻ đẹp đẫy đà phồn thực của Auguste Renoir chuyển sang hình mẫu dài và buồn của Modigliani, và lại được Francis Bacon lập ra một hình mẫu con người tật nguyền, biến dạng và cực kỳ cô đơn. Các nhà mỹ học đã gọi đây là thời đại của “thẩm mỹ chông chênh” (esthétique de choc). Thẩm mỹ chông chênh này đã tồn tại không quá 50 năm ở phương Tây.
Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Pierre-Auguste Renoir
Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Amedeo Modigliani
Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh Francis Bacon
Mỹ học đương đại đã trở thành cơn lốc ngày càng mạnh sau khi Marcel Duchamp lập ra mỹ thuật ý niệm với “Cái Bồn Tiểu“ (1917), và ngày nay mỹ thuật ý niệm không chỉ diễn ra ở các nước Âu Mỹ mà đang tràn qua các lục địa còn lại.
Triết học giải cấu — déconstruction (có nơi gọi là huỷ cấu trúc) của Jacques Derrida — có lẽ đã nhìn nhận cần phải phá vỡ những tiêu chuẩn cái đẹp đã được thiết lập bởi chủ nghĩa hiện đại của những nhà tiền phong như Tristan Tzara, Jean Arp, Max Ernst, Marcel Duchamp, Paul Klee,... và mở ra một bầu trời mỹ học đương đại cho thời đại mỹ thuật “bây giờ” (Art Now).
Rõ ràng cái đẹp luôn luôn có những tiêu chuẩn khác nhau của nó, tuỳ vào từng thời đại mà nó được tạo ra. Cái đẹp là một khái niệm mở, tạo ra những vẻ đẹp biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng và trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật.
------------
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét